Cơ quan Nhà nước vẫn “chê” sản phẩm CNTT nội
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, cho biết vẫn
còn không ít Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc ưu tiên đầu tư, mua
sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách.
Tiền ngân sách "chảy vào túi" doanh nghiệp ngoại
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, năm 2009, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 42 quy định chi tiết về việc ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.Trong bối cảnh tiết giảm chi tiêu công, việc dùng hàng Việt được đánh giá là một phương thức tiết kiệm rất hiệu quả. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, theo Giám đốc Sở TT&TT Phạm Kim Sơn, chi phí mua sắm và vận hành các phần mềm Việt khá phù hợp với khả năng chi tiêu của ngân sách địa phương. Đã có trường hợp triển khai một phần mềm cho 56 xã, phường ở Đà Nẵng, khi lựa chọn sản phẩm thương hiệu Việt thì chỉ tốn khoảng 300 triệu đồng, còn nếu dùng thương hiệu ngoại thì có thể tốn tới 4 tỷ đồng.
Thế nhưng, xét trên bình diện chung cả nước thì sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam vẫn chưa thể thoát cảnh “lép vế” so với hàng ngoại.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, trong năm 2011, trong tổng số hơn 1.200 tỷ đồng mà các cơ quan Nhà nước dành để chi cho việc mua sắm CNTT, thì phần lớn lại “rơi vào túi” các doanh nghiệp ngoại. Dù rằng số lượng sản phẩm phần cứng, phần mềm thương hiệu Việt “hiện diện” trong cơ quan Nhà nước đang có xu hướng tăng dần lên, nhưng xét về giá trị thương mại thì chỉ là một phần rất nhỏ so với hàng ngoại. Như ở lĩnh vực máy tính, trong khi doanh nghiệp Việt chỉ mới “chen” được vào mảng máy tính để bàn, thì doanh nghiệp ngoại vẫn đang “tung hoành” ở các mảng máy chủ, tường lửa cứng, thiết bị chuyển mạch,…
Có khá nhiều lý do khiến sản phẩm CNTT Việt bị “cản đường” vào khu vực công, trong đó nhiều lý do thuộc diện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như chất lượng không bằng hàng ngoại, không có hàng nội tương ứng nên phải chọn hàng ngoại,…
Chia sẻ với ICTnews về lý do tại sao “hàng Việt” vẫn bị “chê”, ông Nguyễn Trọng Đường nêu hiện trạng dù Thông tư của Bộ TT&TT yêu cầu khi mua hàng ngoại nhập mà trong nước cũng sản xuất được thì phải có thẩm định của đơn vị chuyên trách về CNTT, nhưng tại nhiều Bộ, ngành, địa phương, hầu như các đơn vị chuyên trách về CNTT và các Sở TT&TT vẫn ít khi được hỏi ý kiến về việc mua sản phẩm đó đúng hay không đúng.
Đồng thời, biểu mẫu hồ sơ mời thầu dự án đầu tư về CNTT của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng không có dòng nào đưa ra tiêu chí phải dùng hàng Việt Nam . “Chúng tôi đang làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư để có hướng dẫn rõ ràng cho vấn đề này”, ông Đường nói.
Doanh nghiệp Việt nên làm gì?
Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt khó có thể ngay lập tức “lật ngược thế cờ” để chiếm thế “thượng phong” so với các đối thủ ngoại. Song không vì thế mà cứ ngồi yên “dâng” thị phần cho doanh nghiệp ngoại.“Mách nước” cho doanh nghiệp Việt một “bí quyết” để có thể thắng thầu các dự án Chính phủ, ông Đặng Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT lưu ý: “Trong khối Chính phủ, những người ra quyết định thường rất bận rộn, không có sự tư vấn kịp thời về việc mua giải pháp nào, dùng sản phẩm nào. Muốn bán hàng vào thị trường Chính phủ thì phải nỗ lực đầu tư về kỹ năng tư vấn cho người mua chứ không chỉ bán cái mình có. Các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua vẫn chưa chú ý thực sự tới kỹ năng mềm, kỹ năng tư vấn cho các lãnh đạo, tư vấn giá trị có được từ các dự án chứ không chỉ là kỹ năng tư vấn về sản phẩm kỹ thuật. Nếu cứ mãi như vậy thì thị phần trong tư tưởng của các nhà lãnh đạo sẽ mãi mãi là của chuyên gia nước ngoài”.
Còn ở góc nhìn của một người đã nhiều năm gắn bó với hãng CNTT hàng đầu Việt Nam FPT, doanh nghiệp đang triển khai khá nhiều hệ thống CNTT lớn cho các ngành kinh tế trọng điểm trong nước, ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software khuyến nghị các doanh nghiệp cần có quyết tâm cao, chấp nhận đầu tư liên tục, dài hạn và không nản lỏng. Ông Lâm chia sẻ kinh nghiệm của FPT là nhiều dự án làm cho khu vực công đã có nguy cơ phải giải tán nhưng với quyết tâm cao thì FPT cũng đã vượt qua thách thức, khó khăn, chẳng hạn như dự án về hệ thống phần mềm cấp phép lái xe đến nay đã qua 12 năm mới bước đầu thu được kết quả.
Ông Lâm cũng đề xuất với các doanh nghiệp Việt rằng khi năng lực còn hạn chế, nếu triển khai các hệ thống giải pháp lớn thì cần có những đối tác lớn có kinh nghiệm và công nghệ cùng hỗ trợ. Bản thân FPT cũng đã hợp tác với các hãng có tên tuổi như IBM, Oracle… để triển khai dự án cho ngành Thuế, Hải quan… Ông Lâm khẳng định việc hợp tác với các hãng nước ngoài theo phương thức này không hề ảnh hưởng tới “thương hiệu Việt” của các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam .
Để thúc đẩy việc ưu tiên
sử dụng sản phẩm CNTT thương hiệu Việt trong các cơ quan Nhà nước, đầu
năm 2012, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi tất cả các Bộ, ngành, địa
phương yêu cầu đánh giá việc thực hiện Thông tư số 42. Hiện Bộ TT&TT
vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin từ các Bộ, ngành, địa
phương. Dự kiến đầu tháng 12 sẽ có kết quả chính thức đánh giá việc này,
qua đó có chính sách phù hợp hơn trong thời gian tới.